Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Con cuồng Kpop hay không là do cha mẹ

Hầu hết mọi người đều đều đổ lỗi cho Kpop. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng ta phải dạy cho các em cách yêu mến thần tượng, đồng thời tôn trọng giá trị bản thân và trân trọng giá trị cuộc sống...

Tôi có một đứa con gái năm nay lên lớp 6. Như bao bạn trẻ khác hiện nay, con gái tôi cũng là một Kpop fan, và đã được 4 năm. Tôi ý thức được rằng, đó không phải là một sở thích sai trái mà vấn đề ở đây là bạn phản ứng với nó thế nào?

Tại sao tôi nói như vậy? Bởi Kpop nói riêng và ngành giải trí xứ Kim Chi nói chung không sai. Lỗi không phải ở bản thân họ. Những idol xứ Hàn không phải cố tình lôi kéo hay dụ dỗ bạn cuồng si họ, họ chỉ đang làm những gì nhằm mua vui cho khản giả như nhiệm vụ của những người làm nghệ thuật và cố gắng giới thiệu bản sắc xứ Hàn thông qua các môn nghệ thuật khác nhau. Và đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó.

K-entertainment cũng không ngoại lệ. Ở đó có những gì nên học hỏi và không nên xem. Những idol xứ Hàn có gu thời trang thường ngày tốt và hiện đại (nên phân biệt thời trang thường ngày và trên sân khấu). Mảng phim ảnh của họ phản ánh bản sắc xứ họ rõ rệt. Nền âm nhạc xứ họ đáng để chúng ta học hỏi. Ngoài những bản nhạc sôi động với giai điệu bắt tai và vũ đạo đẹp mắt, họ có những bản nhạc ballad nhẹ nhàng và ý nghĩa.

Đó là Kpop, ngoài ra nền âm nhạc Hàn Quốc còn có những cái tên như Sarah Chang (violin), Hanna Chang (cello), Kyung Wa Chung (violin), Sumi Jo (ca sĩ opera từng đoạt giải Grammy). Có Sung Ha Jung (sinh năm 1996) - được mệnh danh là thần đồng guitar, có Yiruma (sinh năm 1978) - nhà soạn nhạc và người biểu diễn piano nổi tiếng thế giới. 

So với Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí còn sở hữu nhiều ca sĩ tên tuổi, đẳng cấp cao, được các hãng đĩa tên tuổi để ý và thu âm thường xuyên.  Nhưng bên cạnh đó cũng có những nghệ sĩ cố ý tạo scandal hay có cách ăn mặc trên sân khấu khá hở hang. Đây không phải vấn đề của riêng K-biz mà ở trên toàn thế giới hay ở chính Việt Nam. Vấn đề ở chỗ là chúng ta cần chọn lọc những tinh hoa để cảm nhận, "chọn bạn mà chơi" chẳng phải các cụ đã dạy rồi đó sao?

Tôi đã đọc qua các bài báo về hiện tượng cuồng Kpop. Chẳng hạn như cô bé người Trung Quốc bị cha giết do cuồng Kpop. Qua những ý kiến, tôi thấy nhiều người nhìn nhận lệch vấn đề, đều đổ lỗi cho Kpop. Vấn đề ở đây không phải vậy. Đó là do cách các em thần tượng họ không đúng và chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem đã hướng dẫn các em thể hiện tình yêu của mình với thần tượng thế nào. Thay vì nghiêm cấm sở thích của các em, hãy hướng cho các em thần tượng có văn hóa. Bởi với trẻ con, càng cấm lại càng muốn. Do đó, hãy tôn trọng sở thích của trẻ con.

Ai cũng có sở thích của riêng mình. Ngay cả với bậc phụ huynh chúng ta cũng chẳng thể ngăn cấm sở thích được. Chưa kể đến Kpop là một sở thích lành mạnh.  Thay vào đó hãy hướng cho các em những gì nên xem và không nên xem, dạy cho các em cách để thưởng thức âm nhạc mà không phạm tới việc học hành. Dạy cho các em yêu mến thần tượng , đồng thời tôn trọng giá trị bản thân và trân trọng giá trị cuộc sống. Bởi ngay lúc này, khi các em đang say sóng Hallyu, hay "cuồng" Kpop, mới thật sự cần đến sự dạy bảo của các bậc phụ huynh chúng ta.

>> Xem thêm: Fan Kpop chân chính đông gấp nhiều lần fan cuồng 

                                                                                Phan Nguyệt Anh     

Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, giải trí tại đây

    


Theo nguồn : http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/con-cuong-kpop-hay-khong-la-do-cha-me-2967746.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét