Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Chị Hồng có thể hưởng toàn bộ 5 triệu yen trong thùng loa cũ

Chị Hồng đâu phải nhặt hay đào được cái thùng loa đó, mà chị đã bỏ 100.000 đồng ra mua.

Ngay sau khi chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm nghề mua ve chai, khi tháo dỡ chiếc thùng loa kiêm đài cát sét phát hiện 5 triệu yen Nhật (khoảng 1 tỷ đồng), nhiều người biết chuyện đã đến gây áp lực đòi chia phần khiến chị phải cầu cứu công an phường 10 (quận Tân Bình, TP HCM).

Vụ việc này ngay lập tức gây xôn xao cộng đồng mạng. Nhiều người đã tranh luận quyền sở hữu số tài sản đó sẽ thuộc về ai?

Theo lời kể của chị Hồng, khoảng tháng 11/2013, khi đẩy xe ve chai trên đường Trần Văn Quang gần nhà trọ, chị mua chiếc thùng loa này với giá 100.000 đồng, của một người đàn ông đi đường.

Vì thế, chúng ta không thể đánh đồng tài sản đó với các tài sản đánh rơi, chôn cất hoặc của tội phạm. Việc cất tài sản trong thùng loa chỉ là cách mà chủ sở hữu cất giữ tài sản, không thể xem là bị chôn giấu theo điều 240 của Bộ luật dân sự 2005.

Theo tôi, vụ này cần phải xử lý theo điều 239 xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu của Bộ luật dân sự 2005: Người phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; Nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

Điều 174 về bất động sản và động sản của Bộ luật dân sự 2005 quy định: Bất động sản là các tài sản bao gồm đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai… Như vậy thì 5 triệu yên đó không phải là bất động sản mà là động sản.

Số tiền này trong thùng loa bị bán thì được xem là tài sản vô chủ. Người bán cho chị Hồng thùng loa cũ này không phải là chủ của số tiền 5 triệu yen.

Do đó, cơ quan công an khi tiếp nhận tin báo, nhận số tiền chị Hồng phát hiện được phải tiến hành thủ tục theo quy định tại khoản 2 Điều 239 Bộ luật dân sự 2005.

Cụ thể, cơ quan công an cần phải lập biên bản về việc giao nộp tài sản (trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp), sau đó tiến hành thủ tục thông báo công khai về việc phát hiện tài sản vô chủ được tìm thấy.

Sau thời hạn một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì số tiền 5 triệu yen đó thuộc sở hữu của người phát hiện.

Theo Ðiều 239 Bộ luật dân sự 2005 về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu

1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó.

Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

>> Xem thêm: Sự khác nhau khi nhìn thấy của rơi giữa người Việt và người Phần Lan

Điệp Lê

Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.


Theo nguồn : http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/chi-hong-co-the-huong-toan-bo-5-trieu-yen-trong-thung-loa-cu-2968137.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét